Nghiên cứu mới công bố trên JAMA trên gần 100.000 phụ nữ sau mãn kinh và phát hiện ra rằng, những người uống một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư gan và tử vong do bệnh gan mạn tính cao hơn so với những phụ nữ uống ít hơn một loại nước có đường một tuần.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét 98.786 phụ nữ sau mãn kinh, bao gồm cả phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 79 tuổi. Trung bình những phụ nữ này được theo dõi trong khoảng 20 năm và các nhà nghiên cứu đã theo dõi tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư gan tự báo cáo do bệnh gan mạn tính, như xơ hóa, xơ gan hoặc viêm gan mạn tính. Những kết quả này đã được xác minh thêm bằng hồ sơ y tế hoặc chỉ số tử vong quốc gia.
Kết quả cho thấy, 6,8% phụ nữ tiêu thụ một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn 85% và nguy cơ tử vong do bệnh gan mạn tính cao hơn 68% so với những người uống ít hơn 3 đồ uống có đường mỗi tháng.
PGS. Xuehong Zhang, Trường y tế công Harvard T.H. Chan cho biết, ngay cả sau khi kiểm soát chỉ số BMI, các ước tính vẫn không thay đổi nhiều, cho thấy mối liên hệ rất rõ ràng giữ việc tiêu thụ đồ uống có đường với kết quả bất lợi cho gan, có thể tồn tại độc lập với bệnh béo phì.
Như vậy, việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường như sô-đa, nước tăng lực và cà phê có thêm đường, không chỉ liên quan đến bệnh béo phì, đái tháo đường type 2 mà còn có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh gan mạn tính, ung thư gan và tử vong…
Theo các tác giả, đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo mối liên quan giữa lượng đồ uống có đường và tỷ lệ tử vong do bệnh gan mạn tính. Nếu phát hiện được xác nhận, việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường có thể đóng vai trò là một chiến lược y tế công cộng để giảm gánh nặng bệnh gan.
1. Đường được thêm vào trong đồ uống có thể bổ sung rất nhiều calo
Tiêu thụ đồ uống có đường được cho là một yếu tố nguy cơ gây béo phì, đái tháo đường và bệnh tim mạch…có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin và viêm. Cả hai đều liên quan chặt chẽ đến sự khởi đầu của ung thư gan và sức khỏe của gan.
Theo Trường y tế công Harvard T.H. Chan, một người Mỹ trung bình tiêu thụ 22 thìa cà phê đường bổ sung mỗi ngày, tương đương với khoảng 350 calo. Một thìa cà phê đường tương đương 4 gam.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị, mọi người nên cắt giảm lượng đường bổ sung để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và béo phì bằng cách hạn chế lượng đường ăn vào hàng ngày ở mức không quá 6 thìa cà phê (24 g) đường đối với phụ nữ và 9 thìa cà phê (36 g) đường đối với nam giới.
2. Mối liên quan giữa đồ uống có đường với bệnh gan mạn tính và ung thư gan
TS. Zhang cho biết, mặc dù nghiên cứu này không chứng minh đồ uống có đường gây ra những rủi ro gia tăng, nhưng có một số nguy cơ tiềm ẩn giải thích mối liên hệ giữa đồ uống có đường và kết quả bất lợi cho gan. Đó là:
- Lượng calo bổ sung từ đồ uống có đường có thể góp phần gây thừa cân và béo phì: Thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ cao đối với các bệnh về gan. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chỉ số khối cơ thể không làm thay đổi đáng kể rủi ro trong nghiên cứu này.
- Kháng insulin: Lượng fructose hấp thụ cao hơn cũng có thể góp phần gây rối loạn lipid máu, kháng insulin và những thay đổi bất lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe của gan. Đường ở dạng lỏng được hấp thụ nhanh chóng, có thể dẫn đến tình trạng trao đổi chất và các vấn đề về gan.
- Hóa chất liên quan đến đồ uống có đường: Các chất chuyển hóa, chẳng hạn như taurine, phenylalanine và các hợp chất hóa học khác có trong đồ uống có đường, chẳng hạn như màu caramel, axit xitric, hương vị tự nhiên và diol hữu cơ, cũng có thể góp phần gây ra tác hại của đồ uống có đường.
Tham khảo tại nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/tang-nguy-co-ung-thu-gan-neu-lam-dung-do-uong-co-duong-moi-ngay-169230811144441695.htm