Theo TS Trương Hồng Sơn - viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, những người huyết áp cao, đái tháo đường và bị bệnh thận cho rằng phải ăn nhạt hoàn toàn, không ăn muối là việc làm không đúng. Mỗi một bệnh nhân sẽ có quy định về chế độ ăn cụ thể cho từng loại bệnh mình mắc theo khuyến cáo của bác sĩ.
Hiện nay, mọi người đã nhận thức được việc ăn mặn sẽ dẫn tới nhiều bệnh. Tuy nhiên, nhiều người bệnh tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh thận... lại kiêng khem quá mức, ăn nhạt hoàn toàn cũng không tốt cho sức khỏe.
Nhiều người bị bệnh thận hoặc huyết áp cao do kiêng quá mức mà chuyển sang ăn nhạt tuyệt đối khiến lượng natri máu giảm. Não bộ là cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng khi natri máu hạ quá mức bình thường. Lượng natri thấp làm cho nhu mô não bị phù, thậm chí có thể tử vong.
Hạ natri máu khiến người bệnh có triệu chứng mỏi cơ, liệt cơ, cảm giác kiến bò, chuột rút. Người bị hạ natri máu hay bị phù tay, chân hoặc phù toàn thân.
Theo TS Sơn, người bệnh cần duy trì chế độ ăn điều độ, không quá thừa muối hoặc thiếu muối là điều rất quan trọng. Để đảm bảo sức khỏe, lượng muối cần ăn là không quá 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê nhỏ).
Một bữa không nên dùng quá 2g muối/người. Cơ thể người bình thường cần một lượng muối tối thiểu là 5g/ngày với điều kiện là muối không bị mất đi qua nước tiểu, mồ hôi hoặc các loại dịch khác.
Nếu một người ăn ít hơn 2,4g muối/ngày thì đó là lượng muối không đủ đáp ứng cho cơ thể.
TS Trương Hồng Sơn đưa ra lời khuyên về việc sử dụng muối đối với mỗi gia đình. Mỗi gia đình hiện nay thường có 4 người, sẽ được ăn tổng là 8g muối/ngày x 30 ngày trong tháng = 240g muối.
Nếu mỗi một gói muối có trọng lượng 200g, số lượng khuyến cáo là hơn 1,5 gói cho cả gia đình/tháng và nếu gia đình có thói quen ăn mặn hơn thì chỉ nên sử dụng số lượng muối không quá 2,5 gói trong một tháng.
Tham khảo tại nguồn
- https://tuoitre.vn/kieng-an-muoi-hoan-toan-la-khong-dung-20230616074000827.htm