1. Bổ sung nước quan trọng thế nào đối với cơ thể?
Nước được coi là dung môi của các phản ứng hóa học, giúp hòa tan nhiều chất hóa học khác nhau trong cơ thể sống. Nhờ việc hòa tan trong hoặc ngoài tế bào, các chất hóa học này sẽ thực hiện đúng chức năng.
Chẳng hạn, khi thức ăn được đưa vào cơ thể sẽ cần dịch tiêu hóa trong nước bọt, dạ dày, ruột… Các dịch tiêu hóa này cũng chứa nhiều nước, giúp nhào trộn và phản ứng với các chất hóa học để tiêu hóa thức ăn. Sau đó, các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thu vào máu. Nếu thiếu nước, các phản ứng này sẽ không được thuận lợi.
Nước giúp cho máu có dạng lỏng và hòa tan các chất dinh dưỡng, vận chuyển chúng đến các mô và tế bào của cơ thể. Đồng thời nước cũng vận chuyển các chất thừa, độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa như carbon, ure… đến phổi, thận và bài tiết ra ngoài…
Nước còn có vai trò điều hòa nhiệt độ cơ thể. Khi cơ thể nóng, mao mạch dưới da giãn nở, làm tăng thể tích máu đi tới và làm tăng tốc độ tỏa nhiệt. Khi cơ thể lạnh, mao mạch co lại và làm giảm mất nhiệt. Trong điều kiện bình thường, cơ thể tự làm mát bằng bay mồ hôi qua da.
Ở người trưởng thành trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cơ thể sẽ bài tiết và thay thế mới khoảng 4-6% nước. Ở trẻ em là 15%. Vì thế nước có vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe con người.
Khi thiếu nước, không chỉ các chức năng của các cơ quan trong cơ thể bị suy giảm mà các biểu hiện ngoài da cũng nặng nề.
2. Da sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi bị thiếu nước?
Khi thiếu nước, mất nước sẽ khiến da xuất hiện các nếp nhăn, khô da, ngứa, bong tróc, xỉn màu, màu da không đều, mắt trũng sâu và có quầng thâm… Một số bệnh ngoài da cũng sẽ nặng lên khi cơ thể thiếu nước.
Để xem da có bị thiếu nước hay không và thiếu ở mức độ nào, ngoài các biểu hiện đã miêu tả ở trên, bạn có thể thực hiện cách kiểm tra bằng cách đơn giản: Dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái túm và miết nhẹ một phần da nhỏ trên má, rồi lập tức thả tay. Nếu vùng da đó không ngay lập tức trở về như cũ mà lại xuất hiện vệt nhăn, lâu đàn hồi, đó là triệu chứng da đang bị thiếu nước.
Thiếu nước sẽ khiến da khô, nhăn, bong tróc giống với triệu chứng của trường hợp type da khô, nhưng đây là 2 khái niệm khác nhau.
- Với tình trạng type da khô sẽ cần điều trị phức tạp hơn với chế độ ăn, chế độ làm sạch, chăm sóc và dưỡng đa cầu kỳ.
- Với tình trạng da thiếu nước, việc điều trị sẽ đơn giản hơn chỉ bằng cách thay đổi lối sống. Trong đó bổ sung nước đầy đủ là bước quan trọng nhất. Ngay sau khi da được cấp nước đầy đủ, nghĩa là cơ thể đủ nước, da sẽ hoàn toàn bình thường.
3. Uống nước bao nhiêu nước là đủ?
Nhiều người đã hiểu sai về khái niệm "uống nhiều nước" hằng ngày, nên liên tục uống nước, thậm chí bổ sung quá nhiều nước so với nhu cầu của cơ thể. Điều này cũng gây hại.
Việc bổ sung nước cần chia ra độ tuổi, giới tính và phụ thuộc vào môi trường làm việc. Ví dụ ở người trưởng thành, sức khỏe bình thường, có thể ước lượng nhu cầu nước trong khoảng từ 2.5-3l/ngày.
Ở trẻ em, do diện tích da/kg thể trọng lớn hơn so với người trưởng thành, việc bài tiết nước cũng nhiều hơn người lớn. Tỷ trọng nước và dịch tế bào trong cơ thể lớn hơn, tỷ lệ thẩm thấu lớn hơn. Khả năng làm việc của thận chưa hoàn chỉnh… Thậm chí là do trẻ chưa biết kêu khát, hoặc mải chơi quên uống nước… Do đó, người chăm sóc trẻ cần chú ý cho trẻ uống nước với khoảng xác định là 150ml/1kg cân nặng/ngày.
Với người lớn tuổi, do hay quên và cảm giác khát nước tự nhiên của cơ thể cũng kém nhạy cảm, do đó rất dễ bị thiếu nước…
Để chúng ta không bổ sung dư thừa nước mỗi ngày, hoặc uống nhiều nước quá cùng một lúc (cũng không tốt), nên chia nhỏ lượng nước ra uống trong ngày. Theo đó mỗi ngày nên uống từ 6 - 8 ly nước. Lượng nước này bao gồm cả các đồ uống khác (nếu có) như: sữa, đồ uống không đường, trà và cà phê, canh, nước trái cây…
Nếu uống nước quá nhiều, tình trạng ngoài da sẽ biểu hiện phù, nặng nề. Biểu hiện ngoài da này chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhưng thừa nước sẽ ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến các chức năng khác trong cơ thể. Do đó, dù nước vô cùng quan trọng và phải được bổ sung hằng ngày, nhưng không nên bổ sung quá nhiều.
Tham khảo tại nguồn:
- https://suckhoedoisong.vn/bo-sung-nuoc-quan-trong-the-nao-voi-lan-da-169230614113609226.htm