Không có thực phẩm nào giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp
Trước suy nghĩ và niềm tin của nhiều bệnh nhân bị thoái hóa khớp là ăn các thực phẩm có chất nhờn như đậu bắp sẽ chữa được bệnh, bác sĩ CKI Hoàng Văn Triều - khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho hay hiện không có thực phẩm nào giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp.
Người bệnh cần tăng cường ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi để hỗ trợ xương chắc khỏe.
Đừng để thoái hóa khớp gối làm phiền
Điều quan trọng nhất là hạn chế tăng cân, áp dụng chế độ ăn khoa học, tập thể dục hợp lý.
Nếu để tăng cân, trọng lượng cơ thể sẽ đè lên khớp gối càng nhiều, gây tình trạng thoái hóa khớp gối càng nhanh hơn.
Bác sĩ Triều cho hay bệnh thoái hóa khớp không chữa được khỏi hoàn toàn. Theo đó, thoái hóa khớp là bệnh của tuổi già. Khi chúng ta càng cao tuổi, khớp gối càng hư và không có cách nào hồi phục như trước đây. Do đó, điều trị để khớp gối chậm và lâu thoái hóa là quan trọng nhất.
Khi có nguy cơ hoặc đã bị thoái hóa khớp, cần tránh những động tác gây lên áp lực khớp gối như ngồi xổm, ngồi chồm hổm. Nếu chúng ta ngồi tư thế này, trọng lượng cơ thể sẽ đè lên khớp gối rất lớn, làm tốc độ thoái hóa khớp nhanh hơn.
Ngoài ra, một số động tác khác như quỳ gối, hoặc ngồi xếp bằng (ngồi thiền) cũng sẽ làm áp lực khớp gối tăng lên và mau hư hơn. Đồng thời, chúng ta lưu ý cần hạn chế lên xuống cầu thang, leo trèo, đặc biệt là mang vật nặng.
Với những người đã bị thoái hóa khớp gối, cần tránh những bài tập, động tác thể dục, bộ môn thể thao gây áp lực cho khớp gối như: chạy bộ cường độ cao hoặc tập gym với những bài tập squat, đứng nâng tạ… vì có thể gây tổn thương khớp gối.
Bị thoái hóa khớp vận động, tập luyện sao?
Đây cũng là một trong các câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân bị thoái hóa khớp thắc mắc. Bác sĩ Triều hướng dẫn người bệnh có thể lựa chọn những bài tập thể dục khác, giúp chân và gối vẫn vận động được nhưng không gây áp lực cho khớp gối như: đạp xe đạp, bơi, đi bộ…
Lưu ý, khi tập những bài tập này, nếu người bệnh thấy nhức mỏi nhẹ về đêm, ngủ ngon thì đã tập đúng. Ngược lại, nếu đau nhức nhiều thì có nghĩa bài tập không thích hợp, vận động quá mức, cần nghỉ ngơi.
"Khi đau khớp gối thì cơ thể sẽ tự giới hạn vận động, dẫn đến tình trạng teo cơ đùi. Nếu teo cơ đùi nhiều, gây yếu chân, đặc biệt đối với người thoái hóa khớp gối, đau khớp gối.
Biểu hiện rõ nhất là leo cầu thang sẽ không sao, nhưng khi đi xuống cầu thang thì run chân, dễ bị té ngã. Đó là vì chúng ta đau khớp gối và gây teo cơ, khiến cơ tứ đầu đùi bị yếu, làm dễ bị té ngã hơn", bác sĩ Triều chia sẻ.
Về phương pháp điều trị thoái hóa khớp, bác sĩ Triều cho hay chủ yếu là dự phòng. Do đó người bệnh cần hạn chế những động tác xấu nêu trên. Với tình trạng đau khớp gối nhiều, đau khi vận động hoặc ngồi mà không đứng dậy được... nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Người bệnh sẽ phẫu thuật khi thoái hóa khớp nặng, gây biến dạng khớp, không thể điều trị bằng nội khoa.
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… thì không quá lo lắng khi bác sĩ có chỉ định mổ vì đã được làm các xét nghiệm cần thiết.
Bệnh nhân cần phối hợp tốt với bác sĩ, uống thuốc và điều trị, tập vật lý theo hướng dẫn để khớp gối được phục hồi tốt.